Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG THAM NHUNG

UBND XÃ QUẢNG NHÂN

TƯ PHÁP – HỘ TỊCH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

 

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN

LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

Ngày 20 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố và Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

I. BỐ CỤC CỦA LUẬT PCTN

Luật PCTN năm 2018 bao gồm 10 chương với 96 điều, trong đó:

Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; các hành vi tham nhũng; giải thích từ ngữ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II: Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 46 điều, từ Điều 9 đến Điều 54. Chương này gồm 6 mục: Mục 1 quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 9 đến Điều 17); Mục 2 quy định về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 18 đến Điều 19); Mục 3 quy định về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 20 đến Điều 23); Mục 4 quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (từ Điều 24 đến Điều 26); Mục 5 quy định về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (từ Điều 27 đến Điều 29); Mục 6 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 26 điều, từ Điều 30 đến Điều 55. Mục này gồm các tiểu mục: Tiểu mục 1 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập (từ Điều 30 đến Điều 32); Tiểu mục 2 quy định về kê khai tài sản, thu nhập (từ Điều 33 đến Điều 40); Tiểu mục 3 quy định về xác minh tài sản, thu nhập (từ Điều 41 đến Điều 51); Tiểu mục 4 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập (từ Điều 52 đến Điều 54).  

Chương III: Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 15 điều, từ Điều 55 đến Điều 69; Chương này gồm mục: Mục 1 quy định về công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 55 đến Điều 58); Mục 2 quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (từ Điều 59 đến Điều 64); Mục 3 quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (từ Điều 65 đến Điều 69).

Chương IV: Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, gồm 4 điều, từ Điều 70 đến Điều 73; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.

Chương V: Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, gồm 4 điều, từ Điều 74 đến Điều 77; quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

Chương VI: Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, gồm 5 điều, từ Điều 78 đến Điều 82. Chương này gồm mục: Mục 1 quy định về xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng (từ Điều 78 đến Điều 79); Mục 2 quy định về áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (từ Điều 80 đến Điều 82).

Chương VII: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, gồm 6 điều, từ Điều 83 đến Điều 88, quy định về đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm phối hợp của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Chương VIII: Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, gồm 03 điều, từ Điều 89 đến Điều 91, quy định nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế; trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.

Chương X: Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 04 điều, từ Điều 92 đến Điều 95. Chương này có 2 mục: Mục 1 quy định về xử lý tham nhũng (từ Điều 92 đến Điều 93); Mục 2 quy định về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (từ Điều 94 đến Điều 95).

Chương XI: Điều khoản thi hành (Điều 96) quy định về hiệu lực thi hành.

II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

 1. Phạm vi điều chỉnh

Đây là nội dung quan trọng, cơ bản nhất của Luật PCTN năm 2018 làm cơ sở cho việc quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và những nội dung khác có liên quan của Luật. Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ Bộ Luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

2. Về những quy định chung

2.1. Về các hành vi tham nhũng

Hành vi tham nhũng cũng như chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước là khác nhau. Do đó, Luật PCTN năm 2018 đã quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Đối với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, Luật PCTN năm 2018 giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành, là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm 12 hành vi được quy định tại Điều 2 của Luật. Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đây là lần đầu tiên chúng ta mở rộng phạm vi áp dụng ra khu vực này và để phù hợp với Bộ Luật Hình sự nên Luật PCTN năm 2018 chỉ quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ,, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

2.2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm 2018 giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, để phù hợp với việc mở rộng phạm vi áp dụng, Khoản 2 Điều 4 Luật PCTN năm 2018 đã quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.